Tại chương trình On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh đại học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Viện phó Viện Điện tử - Viễn thông (ĐH Bách Khoa Hà Nội) và Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Thu Hương - Phó Giám đốc chương trình Đào tạo tinh hoa (ĐH Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ chi tiết về các ngành đào tạo cũng như lợi thế mà sinh viên có được khi theo học tại viện. Chương trình do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp đài Truyền hình VTVcab thực hiện.
(Sinh viên Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội)
Đào tạo song bằng với các trường liên kết quốc tế
Sinh viên Viện Điện tử - Viễn thông có thể tham gia chương trình song bằng với các trường đại học đối tác. Viện liên kết với trường Telecom ParisTech theo mô hình 4+2 (bốn năm đầu học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hai năm cuối học tại trường ĐH Telecom ParisTech, Pháp).
Lĩnh vực liên kết liên quan đến khoa học máy tính, CNTT và xử lý tín hiệu thông tin dành cho trí tuệ nhân tạo. Sinh viên tốt nghiệp nhận song bằng Thạc sĩ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và bằng Kỹ sư của Đại học Telecom ParisTech.
Ngoài ra, trường còn có mô hình 2+2 (hai năm đầu học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hai năm cuối học tại trường ĐH Wollongong, Australia để được cấp bằng cử nhân của cả hai trường. Bên cạnh đó là mô hình 4+1+3 (bốn năm đầu học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội để lấy bằng cử nhân, một năm học chương trình Thạc sĩ tại ĐH Bách Khoa Hà Nội và ba năm học chương trình Tiến sĩ tại Viện KAIST, Hàn Quốc) để được cấp bằng tiến sĩ của hai trường.
(Sinh viên thường xuyên được tham gia vào các phòng thí nghiệm, nghiên cứu của viện.)
Làm việc với các doanh nghiệp ngay từ năm thứ tư
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh - Viện trưởng Viện Điện tử - Viễn thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Viện hiện có bốn kỳ thực tập với đối tác doanh nghiệp và công ty. Những em có khả năng tốt, ngay từ năm thứ ba hoặc thứ tư, đối tác có thể cấp học bổng để sinh viên tham gia vào các dự án của doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường".
Sinh viên đồng thời được tham gia vào các phòng thí nghiệm, nghiên cứu của viện. Tại đây, sinh viên có thể làm việc trong các dự án được tài trợ bởi nhà nước, doanh nghiệp lớn, để được tôi luyện lý thuyết về ngành và phát triển các kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm về làm việc nhóm, quản lý dự án, đổi mới sáng tạo.
Sinh viên Viện Điện tử - Viễn thông ra trường thường có mức lương khoảng 8-25 triệu đồng, kỹ sư nghiên cứu phát triển lương có thể tới 2.000 USD. Kỹ sư điện tử viễn thông có thể làm ở các vị trí như:
- - Kỹ sư phần cứng điện tử, máy tính: thiết kế, mạch điện tử, máy tính nhúng, vi mạch.
- - Kỹ sư phần mềm (nhúng): thiết kế, phát triển phần mềm cho các thiết bị thông minh như điện thoại di động, rô bốt, xe ô tô, đầu thu truyền hình kỹ thuật số, kỹ sư kiểm thử phần mềm;
- - Kỹ sư viễn thông và mạng máy tính: Thiết kế, tối ưu mạng, quản lý mạng, vận hành hệ thống viễn thông, mạng 4G, 5G, mạng IoT.
- - Kỹ sư điện tử hàng không: nghiên cứu phát triển thiết bị bay không người lái, vận hành khai thác các hệ thống định vị dẫn đường máy bay, tàu biển...
- - Kỹ sư điện tử y sinh: thiết kế, chế tạo, vận hành thiết bị y tế, hệ thống thông tin y tế